Nuôi cá bảy màu trong thùng xốp là cách mà các cơ sở phân phối hay áp dụng. Tuy mang lại giá trị kinh tế, tiết kiệm chi phí nhưng liệu đây có phải phương án lâu dài? Để trả lời chính xác câu hỏi, ta cần phân tích khách quan hơn về hình thức nuôi cá này.
Nội dung bài viết
1. Lợi ích khi nuôi cá bảy màu trong thùng xốp
Giống cá 7 màu là loài dễ thích nghi, mức độ khó nuôi chỉ tầm 3-5/10. Có nghĩa đây loại cá thích hợp cho cả những bạn chưa có kinh nghiệm gì. Nếu muốn nuôi nhưng kinh tế eo hẹp, có thể cân nhắc dùng thùng xốp làm bể.
1.1 Tiện lợi
Thùng xốp là dụng cụ dễ kiếm và cũng không hạn chế diện tích đặt để. Muốn mua diện tích như nào cũng tìm được 1 cách nhanh chóng. Với những ai chuyên nhân giống thì đây là “nơi cư trú” cực thích hợp cho mấy em nhỏ. Bên cạnh đó, thùng còn tiện cho việc chia thành nhiều khu nhỏ, dành cho việc nuôi cá sinh sản.
1.2 Tiết kiệm chi phí
Chất liệu này được bán trên thị trường với giá rất rẻ. Thậm chí, nếu bạn tới các khu chợ cóc còn xin được free, không mất tiền. Tuy hơi mất công cọ rửa lại nhưng tối ưu ngân sách hơn rất nhiều. Dành tiền đó để mua cá chẳng phải tốt hơn hay sao!
Mua thùng mới coóng cũng không hề đắt, chỉ từ 30-50K/1 chiếc khoảng 50-60cm. Mỗi không gian như vậy đã nuôi được 1 đàn 7 màu khoảng 40 con, tăng trưởng mạnh mẽ.
1.3 Duy trì nhiệt tốt
Xốp là vật liệu dẫn nhiệt cực kì kém. Vậy nên, môi trường nước bên trong sẽ không bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài. Đây chính là lợi thế cực lớn của “ngôi nhà” này. Cá guppy nói chung sinh trưởng trong dải nhiệt lớn từ 20-30 độ C.
Nếu nước bị quá lạnh (do không khí lạnh bên ngoài) thì cá dễ bị nấm. Ngược lại, nhiệt độ tăng vượt ngưỡng cũng gây nên bệnh lý khó chữa. Nước chứa trong thùng xốp sẽ duy trì được thang nhiệt an toàn.
2. Hướng dẫn cách nuôi cá bảy màu trong thùng xốp
Những người chuyên nuôi sẽ tiến hành nhanh chóng và có nhiều mẹo hay hơn. Nếu mới bắt đầu thú vui này + tận dụng thùng xốp thì triển khai thao tác như sau.
2.1 Chuẩn bị
- Thùng xốp có nắp
- Bạt phủ
- Nước đã được lọc sạch, lắng cặn
- Đàn cá 7 màu: Không nên nuôi 1 con vì chúng sẽ dễ bị stress. Tốt nhất nên mua từ 5 con trở lên.
- Cây thủy sinh, sỏi hoặc cát làm nền,…
Đặc trưng cấu trúc của thùng tuy kín kẽ nhưng vẫn tồn tại nhiều bọt khí nên dễ ngấm nước. Hơn nữa, bề mặt xốp rất dễ bị hành thành tảo nâu và rêu xanh, làm bẩn nước. Thùng sẽ bị rò rỉ nước ra bên ngoài nếu chứa đựng trong thời gian dài. Vì những lý do trên, ta cần dùng bạt để loại bỏ những yếu điểm này.
Ưu tiên dùng bạt HDPE giúp cân bằng pH cho nước. Có khá nhiều phân loại nhỏ hơn trong dòng HDPE này. Giá từ 22K/m2, tùy nhu cầu mà mua loại phù hợp.
2.2 Các bước tiến hành
Nếu muốn lấy nước máy cho vào bể thì bạn phải khử clo. Cách đơn giản nhất là xả nước, đậy kín nắp và để lắng 2-3 ngày. Sau đó lấy phần nước bên trên, tiến hành setup bể theo các bước sau.
B1: Chuẩn bị trước khi cho nước
- Rửa thật sạch thùng xốp (nếu là thùng cũ và có đựng thực phẩm/đồ vật trước đó). Phơi khô cho ráo hết nước hoặc dùng khăn thấm sạch.
- Cắt bạt vừa với size lòng trong của thùng. Lót đều các mặt và căng cho thật phẳng.
B2: Tạo môi trường sống
- Đầu tiên, đổ 1 lớp cát nền. Nếu cẩn thận hơn thì nên mua bột vi sinh để rải lót trước. Sau lớp cát thì tiến hành rải sỏi.
- Kế đến cho nước ngập mặt cát, sỏi và tiến hành trồng cây thủy sinh. Có thể sắp xếp thêm 1-2 khối đá (tạo hòn non bộ) nếu thích. Sau đó đổ ngập nước, cách bề mặt 7-10cm.
- Ngoài ra, nếu không thích cảnh vật như trên có thể mua các loại cây thả nổi.
B3: Thả cả
- Khi setup bể xong thì không thả cá ngay mà cần chờ khoảng 4-7 ngày cho môi trường ổn định. Nên thay nước mới sau ngày đầu tiên để cây sạch hơn.
- Mua cá về cũng không thả vào bể luôn. Nhấc cả túi và nước ngâm vào trong thùng, để vậy khoảng 30” cho quen môi trường. Sau đó mới thả cá vào trong bể.
- Cho ăn 2 bữa/ngày. Không nên thả quá nhiều vì sẽ bị lắng xuống bên dưới, gây ô nhiễm
3. Nhược điểm khi nuôi cá 7 màu trong thùng xốp
Bên cạnh ưu điểm như tiện dụng, giá thành thấp thì dùng thùng xốp cũng gây nên ra khá nhiều vấn đề. Điển hình như thường xuyên gặp phải những tình trạng dưới đây.
3.1 Khó cọ rửa
Bề mặt xốp 1 khi đã bẩn thì rất khó cọ rửa. Đặc biệt là lúc bị bám rêu lên trên thành. Do dó, tuổi thọ của những chiếc “bể” này khá thấp. Không thích hợp cho việc nuôi lâu dài mà chỉ hợp tạm thời.
Nếu dùng đồ rửa mềm thì không sạch, dùng đồ cứng như búi sắt thì chắc chắn sẽ hỏng thùng. Bạt lót có thể khắc phục vấn đề này nhưng cũng không phải giải pháp hoàn hảo.
3.2 Dễ bị hư hỏng
Xốp rất dễ bị vỡ khi có tác động vật lý từ bên ngoài. Không chỉ vậy, 1 khi bề mặt bị ngấm nước là coi như bỏ, không thể dùng. Chất liệu này cũng không đẹp mắt, khó có thể làm đẹp cho gia chủ. Đã vậy chỉ có thể nhìn ngắm trực diện từ bên trên. Không thể quan sát nếu nhìn ngang như khi dùng bể kính. Nói chung, có tác dụng nuôi cá tương đối nhưng để trang trí thì không.
4. Nuôi cá bảy màu trong bể mini – Tối ưu gấp 10 lần thùng xốp
Từ những phân tích lợi, hại trên, ta đã xác định được độ hiệu quả của phương pháp này. Tóm lại, thùng xốp đáp ứng được môi trường sống cơ bản cho cá guppy. Thế nhưng, về vấn đề thời gian sử dụng thì phương án này kém sự nổi trội. Vì thế, nếu có điều kiện vẫn nên đầu tư bể mini.
Nếu so sánh ra thì dùng bể cảnh cũng không hề đắt đỏ hơn chút nào. Giá bán rất đa dạng, từ 80K đã sở hữu được chiếc nho nhỏ. Giá thành còn căn cứ vào độ dày của mặt kính, kích thước bể,… Setup nguyên bộ hoàn chỉnh còn có thêm chi phí cho bình sục khí, đèn chiếu sáng,…
Tuy nhiên, cá 7 màu không cần những điều kiện này vẫn sống tốt. Do đó, bạn vẫn sở hữu được 1 bể cá guppy mini với chi phí cực phải chăng.
Nuôi cá bảy màu trong thùng xốp là phương án tốt nếu có ý định nhân giống. Còn đơn giản muốn nuôi cá đúng chất làm cảnh thì nên tính phương án khác. Hi vọng bài viết đã mang tới những thông tin bổ ích và dễ áp dụng thực tế.