Chim trĩ đỏ khoang cổ là một loài vật nuôi đẹp và hiếm gặp trong tự nhiên. Hiện nay, đã có nhiều người nuôi giống nhưng phần lớn vẫn chưa biết rõ thông tin về phân loài này.
Nội dung bài viết
1/ Nguồn gốc chim trĩ đỏ khoang cổ
Loài chim đặc biệt này có tên khoa học là Phasianus colchicus torquatus, thuộc lớp Chim, bộ Gà, họ Trĩ. Tại Việt Nam, chúng sống tập trung tại các đồi cỏ thuộc khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Một số ít phân bố tại Khu bảo tồn U Minh Thượng, Phong Điền, Cát Tiên,… và Quảng Đông, Trung Quốc.
Chim trĩ đỏ khoang cổ có khả năng thích ứng với môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, sức đề kháng cao trước các loại bệnh tật.
2/ Đặc điểm hình dáng chim trĩ đỏ khoang cổ
Trĩ đỏ là một loài có màu lông rực rỡ và vô cùng bắt mắt. Con đực khi phát triển đầy đủ thường có cân nặng trung bình 1,5-2 kg, còn con cái nặng khoảng 1-1,2kg. Chim non rất khó để nhận biết trống hay mái, khi trưởng thành có thể dựa vào những tiêu chí sau để phân biệt:
- Chim trống: Phần đầu và cổ trước có màu xanh lam với một khoang trắng vòng quanh cổ. Phần ngực màu đỏ tía, nhạt dần về hai bên cánh. Lông đuôi màu vàng ngả nâu với các sọc đen đều đặn, khi trưởng thành có thể dài từ 0,5-0,6m.
- Chim mái: Lông có đốm rõ rệt, màu nhạt, cổ không có khoang trắng. Đuôi ngắn hơn so với con đực và có các vằn lượn sóng. Đỉnh đầu và cổ có màu nâu đen.
Chim trĩ đực thường có thân hình cao to và màu sắc bắt mắt hơn con cái, đây cũng là tiêu chuẩn để chọn giống nuôi khỏe mạnh.
3/ Đặc tính sinh sản của trĩ đỏ khoang cổ
Trĩ đỏ mái có khả năng đẻ trứng từ tháng thứ 8, thường sinh sản từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Sau mỗi lần đẻ trứng, chúng sẽ nghỉ khoảng 1 tháng và tiếp tục giao phối sau đó.
Một con cái có thể đẻ 80-100 trứng/ năm. Tuy nhiên, chim trĩ không ấp trứng nên hộ nuôi sẽ phải dùng máy ấp nhân tạo hoặc cho gà ấp.
Trĩ đỏ trống trong tự nhiên có ham muốn mãnh liệt nên không thể nuôi ghép cặp 1:1 với loài này. Thông thường, đến mùa sinh nở, người ta sẽ đặt 1 trống và 3 mái chung một chuồng để đảm bảo chất lượng, năng suất chăn nuôi.
➤➤➤ XEM THÊM VỀ: Chim Huýt Cô
4/ Cách nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ khỏe mạnh, lớn nhanh
Chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên đã trở thành giải pháp “làm giàu” cho nhiều hộ gia đình. Để nuôi được lứa mạnh khỏe, bạn nên tham khảo những bước cơ bản dưới đây.
Chọn giống
Vì chim non khá khó chăm sóc nên những người mới nên mua chim trĩ từ 3-5 tháng tuổi hoặc chim hậu bị (loại chim nuôi để chuẩn bị cho việc đẻ trứng). Ưu tiên chọn những con mắt sáng, bụng gọn, đùi chắc chắn:
- Con trống: có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, lông mượt, đuôi dài, không dị hình, dị tật.
- Con mái: nở hậu, không thương tật hay mang những đặc điểm lạ.
Lưu ý:
- Trĩ đỏ chưa được công nhận là vật nuôi nên những cơ sở cung cấp con giống phải được sự cho phép của kiểm lâm địa phương bằng văn bản.
- Chọn mua tại những nơi uy tín, có giấy phép.
Thức ăn
Giống chim này ăn ít, không tốn chi phí lương thực nhưng vẫn đem lại năng suất cao. Tương tự như nuôi gà, loài chim này có thể ăn ngô, thóc, rau củ quả hoặc cám công nghiệp. Khi đến vụ đẻ, con cái cần cung cấp thêm cám nuôi để trứng đạt chất lượng tốt.
Chim trĩ thường ăn rải rác trong ngày nên hãy đảm bảo cung cấp đủ thức ăn đầy đủ và thường xuyên.
Lồng nuôi
Nuôi loại chim hiếm này thường gặp khó khăn ở giai đoạn từ 1-4 tuần tuổi. Nhưng qua được thời gian ấy, chúng sẽ khỏe mạnh và thích nghi tốt. Việc thiết kế lồng/chuồng nuôi được chia thành những giai đoạn sau:
- Một tháng đầu: Sử dụng lồng úm với cách úm tương tự như nuôi gà. Tuy nhiên, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh sạch sẽ. Mật độ: 15-40 con/m2.
- 1-2 tháng tiếp theo: Nuôi trong chuồng hoặc lồng như các gia súc, gia cầm khác. Phủ 5-8cm trấu hoặc phôi bào trên nền, đồng thời giăng lưới kín để chim không bay đi. Mật độ: 6-12 con/m2.
- Tháng thứ 3: Vẫn nuôi trong điều kiện như trên nhưng mật độ chỉ 2-4 con/m2.
- Sau 3 tháng: Nuôi tập trung trong chuồng hoặc lồng lớn, rải cát vàng trên nền và chia thành nhiều khu riêng biệt. Mật độ: 1-2 con/m2.
Lưu ý:
- Lợp mái, giăng lưới kín để chim không bay ra ngoài.
- Thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi nhốt 3-4 lần/ tuần để đảm bảo môi trường sống tiện nghi
- Phun thuốc khử trùng tối thiểu 1 lần/tuần.
- Loại bỏ các vật sắc nhọn, đồ nhựa nhỏ, túi nilon ra khỏi chuồng.
- Không nên để hai con trống cùng một chuồng, chúng sẽ gây gổ đánh nhau.
Phòng bệnh
Chim trĩ trong tự nhiên có sức đề kháng tốt nhưng trong môi trường nuôi nhốt chúng dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy khi nuôi, hộ nuôi cần chú ý:
- Quan sát sinh hoạt ăn, ngủ, tiếng thở, chất bài tiết,… hằng ngày để đánh giá tổng quan thể trạng của chúng.
- Lắng nghe tiếng kêu của chim xem có điều gì bất thường hay không và kịp thời xử lý.
- Không nuôi chung các lứa tuổi cùng một chỗ.
- Luôn giữ chuồng sạch sẽ, không bị loài gặm nhấm hay các con vật khác loài xâm phạm.
- Đảm bảo lớp độn chuồng luôn khô thoáng, sạch sẽ, không chứa dị vật.
- Trộn kháng sinh với thức ăn theo hướng dẫn của bác sĩ thú y để nâng cao khả năng phòng bệnh.
- Uống và tiêm phòng các loại vaccine (Gum, Lasota,…) tương tự như gia cầm.
➽➽➽ BẠN BIẾT GÌ VỀ: Chim Cánh Cụt
5/ Chim trĩ đỏ khoang cổ giá bao nhiêu tiền
Chim trĩ đỏ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà thịt, trứng chim còn cung cấp nguồn dưỡng chất lớn nên có giá khá cao.
Tùy vào mục đích mua khác nhau, chim trĩ sẽ có giá khác nhau. Cụ thể):
- Chim giống: 100.000 – 1.800.000đ/ con từ 1-6 tháng tuổi.
- Chim hậu bị: 4 triệu đồng/cặp.
- Chim đang đẻ: 5 triệu đồng/cặp.
- Chim trĩ cảnh: 6 triệu/cặp.
6/ Mua, Bán chim trĩ đỏ khoang cổ ở đâu uy tín
Chim trĩ đỏ hiện nay đang được phát triển mô hình chăn nuôi nên bạn có thể dễ dàng tìm được các cơ sở cung cấp. Tuy nhiên, để mua được giống có chất lượng tốt, bạn nên đến tận nơi kiểm tra và xem xét.
Mua chúng ở những cơ sở được cấp giấy phép uy tín hoặc các trung tâm bảo tồn phát triển vật nuôi tại TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng,…
Vậy là bạn đã có thêm những thông tin cơ bản về loài chim trĩ đỏ khoang cổ. Dù mua về để nuôi hay làm cảnh thì mong rằng bạn sẽ chăm sóc những chú chim xinh đẹp và quý hiếm này thật cẩn thận.